Cảm Tưởng về một Chính Khách - bác Bùi Diễm

Thanh Trang, Bác Bùi Diễm, Trí Tôn

Thanh Trang, Bác Bùi Diễm, Trí Tôn

Cảm Tưởng về một Chính Khách - bác Bùi Diễm

Giải phóng miền nam, hậu quả là sự sụp đổ của 1 chế độ tự do dân chủ, sự tan rã của 1 chính quyền vì dân, thương dân, và cũng là sự khởi đầu của một thập kỷ đen tối đói rét nhất cho gần 40 triệu người miền nam nói riêng, và cho gần 90 triệu người dân VN nói chung.

Giải phóng miền nam, tôi chỉ là 1 đứa bé một vài tuổi, 1 đứa bé quá nhỏ còn chưa biết nói, thì làm sao có thể biết được những chính khách của miền nam tự do trước 1975? Cái ngày ba tôi bị tống vào trại tù CS, cả nhà tôi phải sống bám víu vào dăm đồng ba cọc, đồng tiền ít oi kiếm được từ nghề may vá của gia đình tôi. Một phần tiền lại phải dành dụm dùng để tiếp tế lương thực cho ba, sống lây lất gần cả 15 năm trong trại tù cải tạo CS bắc việt. Tôi lớn lên trong sự nghèo đói, rách nát, tối tăm của cách mạng thành công, của giải phóng miền nam.

Cái ngày ba tôi được ra tù, chính quyền Mỹ ưu tiên cho gia đình ba tôi được ty nạn chính trị theo diện HO. Tôi dần trưởng thành trong nền học vấn tự do nhân bản của xứ người. Học đường Hoa Kỳ đã dần dạy tôi khái niệm về nhân quyền, dân chủ, nhân sinh mà dưới chế độ CS tôi chưa từng được biết. Tôi quyết định đi tìm tòi sự thật của quá khứ…

Hơn 10 năm trở lại đây, qua một số chương trình như đọc tin và các sinh hoạt của SBTNDC, dần dần tôi quen biết được vài bác, vài chú trong quân đội chính quyền cũ của VNCH. Một trong số những chính khách nổi tiếng mà tôi may mắn được biết, cũng là người mà tôi quý mến, kính trọng là bác Bùi Diễm. Bác là người chậm rãi, từ tốn, trong cử chỉ và cả trong lời nói. Tuy là người có tuổi, nhưng bác lại có trí nhớ rất tốt. Tôi chỉ gặp bác vài lần, nhưng bác lại nhớ rõ tên tôi. Mỗi lần gặp, bác thật vui vẻ hỏi thăm, làm tôi vừa mừng vừa xúc động.

Trong ngày mừng Sinh Nhật bác được tổ chức năm 2019, tôi rất ngạc nghiên khi biết được bác Bùi Diễm chính là người thành lập công ty Tân Việt Điện Ảnh, đã sản xuất bộ phim Chúng Tôi Muốn Sống. Bộ phim thật xúc động, nói về thảm họa cải cách ruộng đất miền Bắc Việt Nam dưới thời ông Hồ Chí Minh, và sự trốn chạy của những nạn nhân sống dưới chế độ tàn bạo CS. Cuốn phim được Đạo diễn Vĩnh Noãn, đạo diễn Philippines Manuel Conde, và Giám đốc Bùi Ngọc Giáo dàng dựng, thực hiện. Bộ phim cũng được sự giúp đỡ, cộng tác của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, và được trình chiếu vào tháng 10 năm 1956. Gần 50 năm sau ngày sản xuất, tôi được coi bộ phim này mà lòng vẫn bồi hồi, bàng hoàng, xúc động. Phim thật hay, hay không chỉ nhờ vào cốt truyện, vào kỹ thuật quay, mà còn nhờ cách diễn xuất tuyệt vời của nam tài tử Lê Quỳnh.


Ngoài bộ phim nổi tiếng Chúng Tôi Muốn Sống, công ty Tân Việt Điện Ảnh của bác, còn thực hiện thêm cuốn phim Hồi Chuông Thiên Mụ vào tháng 7 năm 1957. Phim này do nam tài tử Lê Quỳnh và nữ tài tử nổi tiếng Kiều Chinh diễn xuất. Bác Bùi Diễm còn tham gia cả trong ngành báo chí như thành lập báo Saigon Post, một trong những tờ báo tiếng Anh đầu tiên của Việt Nam Công Hòa năm 1963.


Vào cuối tháng 3 năm 2001, bác đã cho ra đời cuốn Gọng Kềm Lịch Sử. Là cuốn hồi ký, tự truyện, bác đã kể lại những diễn biến từ thời Pháp Thuộc, cho đến thời Bảo Đại, từ thời cố tổng thống Ngô Đình Diệm cho đến những ngày cuối cùng khi Miền Nam Việt Nam sụp đổ. Cuốn Hồi ký đã đề cập đến những nhân vật chìm, nổi trong chính trường từ lúc phôi thai, như thời học sinh ở trường Thăng Long cùng Ban Giảng Huấn cho đến những sảnh đường quyền lực ở Hoa Thịnh Đốn. Cuốn sách không những kể lại cuộc đời của bác, mà còn cuộc đời của những người cùng lứa tuổi trong suốt chiều dài lịch sử đau thương của một quốc gia nhỏ bé VN cố gắng dành độc lập tự do dân chủ.

Trong những năm gần đây, bác Bùi Diễm đã giúp anh Alex-Thái Võ cho ra Bộ phim tài liệu của Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu và Cuộc Chiến Việt Nam. Đây là một bộ phim nói về Con Người và Lịch Sử. Một dự án Lịch sử truyền khẩu về chiến tranh VN. Dự án phỏng vấn các nhân chứng sống. Dự án về những nhân chứng từng tham gia, đóng góp về cuộc chiến VN. Dự án tích tụ những tư liệu lịch sử, hiện vật liên quan đến cuộc chiến cũng như những hậu quả của nó. Dự án nói về Sự Can Thiệp Của Hoa Kỳ Tại VN qua cái nhìn của một nhà ngoại giao Bùi Diễm từ năm 1965 đến năm 1975. Ngày ra mắt cuốn phim tài liệu này, tôi lại được vinh dự tham gia.

Cách đây chừng 2 tuần, một người quen cho tôi hay bác Bùi Diễm bây giờ rất yếu. Tôi chưa có dịp đi thăm, không ngờ sự việc đến quá mau, bác Bùi Diễm đã ra đi. Bác đã ra đi mãi mãi, để lại một khoảng trống và sự thương tiếc trong lòng cộng đông người Việt hải ngoại. Việt Nam đã mất đi một nhân tài, Việt Nam đã mất đi một người hết lòng vì dân tộc, vì quốc gia, và Việt Nam đã mất đi một nhân chứng sống trong lịch sử Việt Nam cận đại.

Sự ra đi của bác là một mất mát to lớn, là niềm tiếc nuối vô tận, không chỉ cho riêng tôi mà còn cho các thế hệ trẻ, thế hệ con cháu, thế hệ mai sau.


Bài viết của Thanh Trang và Trí Tôn

Virginia, ngày 26 tháng 10 năm 2021