Tiếc Thương

Tiếc Thương


Quản Mỹ Lan

Tôi gặp cựu Đại Sứ Bùi Diễm khá muộn màng.

Trước kia tôi chỉ nghe tên ông như mọi người. Tình cảm của tôi đối với tầng lớp lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 và sau 1975 rất khác.

Trước 1975, tôi quý trọng và đặt tất cả niềm tin vào họ, vào guồng máy lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975 thì tôi buồn trách chính tôi và trách tầng lớp lãnh đạo của mình. Tôi cho rằng chính mình và mọi người đã không hết lòng vì dân, vì nước, có những lúc người ta đã vì tiền, vì tham vọng cá nhân mà giết hại vị Tổng Thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa, những người thờ ơ, những người bị tai tiếng về tham nhũng (nhưng nếu so với tầng lớp lãnh đạo thời nay !). Tôi trách và cho rằng các nhà lãnh đạo Miền Nam không đủ bản lãnh để đối phó với quân Cộng Sản nên VNCH mới thua trong khi mình có chính nghĩa, mình có biết bao nhân tài…

Vì thế khi gặp Đại Sứ Bùi Diễm và tất cả những ai trong guồng máy trước đây tôi đều buồn phiền trừ hai cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao Trần Văn Đỗ và Vương Văn Bắc, cựu Phó Thủ Tướng Dương Kích Những. Có những người khác nữa nhưng tôi không thấy ở họ tinh thần trách nhiệm, không thấy lòng yêu nước sâu đậm ở họ nên tôi không quan tâm. Tại sao lại có sự phân biệt đó ?

Chỉ vì với ba vi này tôi có dịp tiếp xúc, nói chuyện còn những vị khác tôi cũng có dịp nói chuyện đấy nhưng không tìm thấy điều muốn tìm nên trong lòng vẫn là sự oán trách vì « mất đất nước là mất tất cả » (lời TT Nguyễn Văn Thiệu) và chúng ta đã mất đất nước, chúng ta đã mất tất cả, chúng ta đã phải lìa bỏ quê cha đất tổ, sống tha hương trên xứ người.

Cho đến khi tôi đọc được một số tài liệu của chồng tôi sưu tầm được tại những trung tâm lưu trữ, những thư viện của Pháp và Mỹ khi anh chuẩn bị làm tiến sĩ về lịch sử Việt Nam cận đại và sau khi đọc « Gọng Kìm Lịch Sử » của ông cũng như một số hồi ký của những người không nhiều thì ít liên quan đến Miền Nam thì tôi mới hiểu ra rằng sự thể đã không như mình nghĩ. Tôi gặp tác giả của GKLS, cựu Đại Sứ Bùi Diễm, được nói chuyện với ông, được thấy con người thật cuả ông thì tôi mới hiểu rằng, tôi - một công dân bình thường - đau khổ một về chuyện nước non thì những người có trách nhiệm trước sự sống còn của đất nước như ông Bùi Diễm đã và đang đau khổ gấp mười, gấp trăm lần.

Có biết, có hiểu thì mới thông cảm, mới chia sẻ những gì trước đây mình đã ngộ nhận, đã trách móc sai. Dĩ nhiên với một nhóm đông đảo, không phải ai cũng giống ai, ai cũng xấu xa hay ai cũng tốt đẹp. Trong guồng máy công quyền đó có những người thật sự tệ bạc, tham nhũng, nịnh bợ để tiến thân tuy nhiên cũng không thiếu những người hết lòng vì dân, vì nước nhưng đến lúc vận hạn thì làm sao ai cưỡng lại được trước cảnh « trẻ tạo hóa, đành hanh quá ngán » …

Hôm nay, chúng ta vĩnh viễn chia tay một trong số ít ỏi những người còn lại của một thời đã cùng sống với chúng ta tại VNCH, người đã đi vào lịch sử của Miền Nam, người từng đến phút cuối của cuộc chiến vẫn cố vẫy vùng để cứu lấy Miền Nam nhưng vận nước đã được an bài. VNCH đã thua cuộc để nhường chỗ cho cái ác, cái bất nhân thống trị trên toàn cõi quê hương.

Cũng như nhà thơ Hà Thượng Nhân, Đại Sứ Bùi Diễm lớn hơn tôi rất nhiều nhưng Ông coi tôi như em vì « Trong văn nghệ chúng ta là anh em » thì Ông Bùi Diễm cũng nói với tôi « Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta là anh em ». Lời nói như nhắn nhủ, như gửi gấm một trách nhiệm, một sứ mạng … nhưng thế hệ chúng tôi cũng chẳng làm được gì trước vận nước điêu linh ! Những người cầm quyền hiện nay họ có một lý tưởng khác (lý tưởng CS !) một mục tiêu khác (những đấu tranh gian khổ của họ chỉ là để được vét đầy túi tham). Lý tưởng CS thì ngày nay hình như cũng đã nhạt nhưng mục tiêu thì quả là đã đạt được hơn cả mong đợi ! Vì thế người CS phải dùng tất cả mọi thủ đoạn, mọi mánh lới dù tàn ác, bất nhân đến đâu để giữ những gì họ đã đạt được.

Vì vậy những « người Quốc Gia » như Ông Bùi Diễm dù cả đời hy sinh, lo cho nước và lớp đàn em, thế hệ tiếp nối Ông đã hoàn toàn bất lực.

Thưa Đại Sứ Bùi Diễm kính mến,

Trong giờ phút sinh ly tử biệt này, em xin anh sống khôn thác thiêng hãy phù hộ cho lớp đàn em, thế hệ sau anh, những người biết đặt tình yêu nước lên tất cả mọi vật chất phù du để họ có khả năng và đảm lược đứng lên giành lại quyền lãnh đạo, đưa tổ quốc Việt Nam thân yêu thoát gông cùm Cộng Sản, tiến lên cùng năm châu như ước nguyện của anh lúc sinh thời.

Từ nước Pháp xa xôi, em thắp nén nhang tiễn anh, tiếc thương anh vô hạn, cầu xin hương linh anh từ nay được an giấc ngàn thu, yên nghỉ trong một thế giới vĩnh hằng, không còn đau thương thù hận.

Kính bái,

Quản Mỹ Lan