Hai Dòng

Hai Dòng


Mấy năm tháng đầu của Nghị Hội Người Việt Toàn Quốc tại Hoa-kỳ (NCVA), tôi còn bận một số sinh-hoạt khác. Cho đến sau 1990, thì tham-gia nhiều hơn trong các công-tác vận-động cho các đồng-đội đang bị hành-hạ trong cái-gọi-là trại Học Tập Cải Tạo, rồi việc thành-lập Đài Phát Thanh Á-Châu Tự-Do.

Đến khi tôi tiếp nối GS Nguyễn Ngọc Bích điều-hành NCVA thì Đại-sứ Bùi Diễm cũng hiện-diện thưa dần. Rồi không biết từ lúc nào, chúng tôi gặp nhau nhiều hơn, cùng đi đến các sinh-hoạt chung ở bên phía Virginia.

Chính những lúc trao đổi riêng tư mà tôi quý Cụ nhiều, nhiều hơn là đọc những tin-tức, lời bình-luận hay sách "Gọng Kìm Lịch Sử".

Đến khi thường xuyên sang nhà xoa mạc-chược thì phải nói là thân-thiết, tin cậy nhau.

Từ chuyện vui buồn thời xa xưa, như khoe đã thuê nhà gần làng Vỹ Dạ quê tôi, biếu quà Cựu-hoàng Bảo Đại (liên-hệ với nhà tôi).

Cho đến chuyện mới, như Hà-nội tìm mọi cách để được liên-lạc : lấy cớ trao quà từ người quen bên nhà, Đại-sứ muốn đến chúc Tết ... mà Cụ luôn từ-chối, tự cho mình là người mất hết, "chỉ còn chút tư-cách thì cố mà giữ lấy".

Không những tư-cách, Cụ Diễm rất biết giữ thể, không muốn gặp ai khi chưa sẵn-sàng.

Không may cho tài-tử điện-ảnh Kiều Chinh, từ Cali sang giới-thiệu cuốn hồi-ký "Kiều Chinh : Nghệ Sĩ Lưu Vong", xem Cụ như người thân trong nhà, nhưng Cụ không muốn ai thấy mình "không còn thịt", đành nhờ đưa lại, khi tay không còn cầm nổi.

Cụ Ông và Cụ Bà cứ muốn chúng tôi gọi là Anh Chị, lối xưng hô dành cho liên-hệ giữa những thành-viên văn-hóa hay đảng-phái, không thể áp-dụng ở đây, nhất là bà vợ tôi, quý trọng và khen ngợi Cụ Bà hết mực.

Ngoài nhân dáng sang cả, Cụ Bà suốt đời đảm-đang, lo-lắng mọi việc, giúp chồng nuôi con, hai gái một trai, Ngọc-Giao phải đứng tên là nhà sản-xuất phim "Chúng Tôi Muốn Sống" để Cụ Diễm tránh tiếng.

Trong nhà, mọi thứ mang ít nhiều nét thẩm-mỹ, với những bức họa khó tin từ tay Cụ Bà.

(bà NN Bích, NM Trinh, B Diễm)

Có lẽ mạc-chược là sinh-hoạt cuối đời, chấm dứt từ khi đại dịch đến.

Lần gặp chót trước khi đi vào mê sảng, Cụ Diễm cứ nhắc, hỏi "cái ai, gió gì".

Nhưng hôm trước đó, đầu và chân còn rất ấm, Cụ đưa tay bắt khá chặt, nhiều lần lập lại tiếng cám ơn, giọt nước mắt lăn xuống má làm tôi phải quay mặt để khóc.

Dù ở tuổi nào, người ra đi cũng để lại nhiều tiếc nuối.

Từ đầu năm, anh Võ Thành Nhân và chúng tôi đã giữ phòng tại nhà hàng New Fortune để mừng sinh-nhật như trước.

Để rồi nay, mình tôi lặng-lẽ mừng sinh-nhật Cụ nơi phòng bệnh lạnh-lẽo.

Tôi biết đã đến lúc phải chào vĩnh-biệt Cụ.

Nguyễn-mậu Trinh cẩn bái.